Tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Xuân

Thứ tư - 14/12/2022 03:28
Với quyết tâm phấn đấu giành kết quả cao về năng suất, sản lượng, giá trị ở vụ xuân năm 2023, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Lua Xuan
Các công trình đầu mối do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản đã sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất vụ xuân 2023.
 

Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy 71,2 nghìn ha, tăng 193ha so với vụ xuân 2022. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, không khí lạnh hoạt động sớm, trong tháng 1-2023 khu vực Bắc Bộ nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,50C. Tổng lượng mưa từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%. Lưu lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Thao, sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, các đối tượng sâu, bệnh hại, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng, nhất là bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ (lúa ma). Lực lượng lao động nông nghiệp thiếu và yếu do số lượng lao động trẻ đi làm xa hoặc chuyển đổi sang làm việc tại các doanh nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, giá vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các hộ nông dân và hiệu quả sản xuất…

Lường trước những khó khăn trên, để sản xuất vụ xuân 2023 đạt kết quả cao, ngày 11-10-2022 UBND tỉnh đã có Công văn số 761/UBND-VP3 về việc đẩy mạnh chiến dịch làm thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có hướng dẫn về việc triển khai sản xuất vụ đông xuân 2022-2023. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trung tuần tháng 11-2022, các huyện, thành phố Nam Định và các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng. Đến ngày 5-12-2022, các địa phương đã hoàn thành trên 50% khối lượng đào đắp đất, xây gạch, đổ bê tông; các công ty TNHH một thành viên KTCTTL hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa máy bơm, nạo vét các cửa cống, bể hút các trạm bơm… Đồng thời xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng bám sát diễn biến thời tiết và lịch xả nước các hồ thủy điện để lấy nước bảo đảm chất lượng phục vụ việc làm đất, gieo mạ, cấy và chăm sóc lúa xuân. Xác định giống lúa là yếu tố quyết định đến năng suất, giá trị và sản lượng, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ như Bắc thơm số 7, Thiên Trường 900, TBR279, Nàng xuân, BC15 kháng đạo ôn, HDT10; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111... Các huyện, thành phố lựa chọn sử dụng tập trung 1-2 giống lúa lai và 3-4 giống lúa thuần chất lượng trong cơ cấu giống của địa phương. Thời điểm gieo mạ cơ bản sau Tết Nguyên đán, tập trung từ ngày 27 đến 31-1-2023; cấy từ ngày 10-2 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ diện tích trước ngày 25-2-2023. Gieo mạ theo phương thức mạ nền là chủ yếu, khuyến khích mở rộng phương thức “mạ khay - máy cấy”. 

Cùng với việc xác định cơ cấu và chuẩn bị đủ nguồn giống lúa chất lượng, để bảo đảm lịch gieo cấy theo kế hoạch và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, hiện các địa phương đang tranh thủ đất khô tập trung huy động máy cày lật đất làm ải, phấn đấu cày ải xong trong tháng 12-2022; có kế hoạch khoanh vùng những diện tích trũng để làm dầm và triển khai các biện pháp diệt lúa chét, cỏ dại; thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt tàn dư thực vật, tranh thủ tối đa các đợt xả nước của các hồ thủy điện và mức nước triều để thau chua, rửa mặn và phèn, phấn đấu hoàn thành công tác làm đất trước tết âm lịch theo phương châm “ruộng chờ mạ”. 

Trong điều kiện giá các loại vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng, các địa phương, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp cần hướng dẫn bà con nông dân bón phân cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm; tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là những chân ruộng nhiễm mặn, phèn, chua. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân Mai Thị Tươi cho biết: Nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm lượng phân bón nhưng vẫn cân đối dinh dưỡng, bảo vệ môi trường, chúng tôi khuyến cáo bà con sử dụng bộ công thức: Phân hữu cơ khoáng Lâm Thao + NPK cao cấp Lâm Thao công thức 16.8.16 hoặc 16.8.82 kết hợp đạm xanh cao cấp Ninh Bình + Lân vi sinh cao cấp Lâm Thao + NPK cao cấp Lâm Thao. Công ty sẵn sàng phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn hướng dẫn kĩ thuật sử dụng phân bón công thức thế hệ mới được khuyến cao như trên và sử dụng đúng, đủ theo tiêu chuẩn an toàn; hỗ trợ các mô hình tích tụ ruộng đất, mô hình trình diễn các loại phân bón với công thức mới để bà con thấy được hiệu quả và triển khai áp dụng. Ngoài ra, Công ty đang áp dụng các chính sách nhận hàng gửi kho, có cơ chế tài chính linh hoạt giúp hệ thống 20 đại lý cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nam Định nhập hàng trước vụ đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng kịp thời cho bà con; khuyến cáo bà con mua phân bón trước vụ để tránh vào vụ giá cao đột biến, chi phí tăng cao. 

Theo nhận định của Sở NN và PTNT, do khí hậu biến đổi khó lường, trong khi nguồn bệnh mang vi-rút vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng nên tiềm ẩn bùng phát bệnh lùn sọc đen hại lúa. Vì vậy, các địa phương tập trung tuyên truyền về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân và triệu chứng bệnh lùn sọc đen; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cho nông dân. Ngay từ thời điểm gieo mạ cần che phủ ni-lông để chống rét và rầy xâm nhập; tổ chức gieo cấy tập trung, bảo đảm đúng khung thời vụ, khuyến khích gieo cấy “3 cùng” và sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn. Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động điều tra, giám sát sự biến động mật độ rầy lưng trắng trên mạ, lúa xuân và lấy mẫu để giám định, kịp thời phát hiện và khuyến cáo biện pháp phòng trừ hiệu quả. 

Chủ động lường trước những khó khăn về thời tiết, khí hậu và có kế hoạch làm đất, gieo mạ, chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón là cơ sở để các địa phương giành vụ lúa xuân thắng lợi./.

Tác giả bài viết: Theo http://baonamdinh.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  •  Đang truy cập8
  •  Hôm nay1,170
  •  Tháng hiện tại4,946
  •  Tổng lượt truy cập2,827,533
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây