Phân biệt Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm

Thứ tư - 25/12/2019 03:27
Phân biệt Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm

Hợp đồng lao động chấm dứt theo một trong các trường hợp sau:

1. Hết hạn hợp đồng lao động - xem chi tiết tại công việc "Chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động hết hạn".

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động - xem chi tiết tại công việc "Chấm dứt hợp đồng lao động theo thoả thuận của các bên".

4. Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu (đáp ứng điều kiện về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội).

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải - xem chi tiết tại công việc "Xử lý kỷ luật sa thải người lao động".

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp - xem chi tiết tại công việc "Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động".

10. Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp - xem chi tiết tại công việc "Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động".

11. Doanh nghiệp cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế - xem chi tiết tại công việc "Chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế".

12. Do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp - xem chi tiết tại công việc "Chấm dứt hợp đồng lao động do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp".

Việc chi trả Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm phát sinh tương ứng với các trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt nêu trên; cụ thể như sau:

 

Hợp đồng lao động chấm dứt theo trường hợp

Trợ cấp thôi việc

1; 2; 3; 5; 6; 7; 9 và 10

Trợ cấp mất việc làm

11 và 12

Tuy hai loại trợ cấp này khác nhau về trường hợp làm phát sinh, nhưng có cách xác định đối tượng hưởng giống nhau (cho nên, sau đây gọi chung là Trợ cấp); cụ thể như sau:

Trước tiên, cần hiểu rằng, không phải bất kỳ người lao động nào có hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là HĐLĐ) chấm dứt theo các trường hợp nêu trên thì sẽ chắc chắn được hưởng loại trợ cấp tương ứng. 

Mà, chỉ những người lao động có tổng thời gian thực tế làm việc cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mới xem xét tính trả Trợ cấp.

Tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp theo các HĐLĐ, bao gồm cả những khoảng thời gian sau:

- Thời gian người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp;

- Thời gian được cử đi học;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương;

- Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn;

- Nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc;

Ví dụ: Doanh nghiệp A có 03 trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp là B; C và D. Tính đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ, tổng thời gian làm việc cho A của B là 03 năm 01 tháng, của C là 10 tháng và của D là 01 năm 06 tháng. Như vậy, doanh nghiệp A xem xét việc trả trợ cấp thôi việc cho B và D; không cần xem xét việc có phải trả trợ cấp thôi việc cho C vì tổng thời gian làm việc của C chưa từ đủ 12 tháng trở lên.

Tiếp đến, khi có người lao động phải được xem xét trả Trợ cấp thì doanh nghiệp sẽ xác định Thời gian làm việc để tính hưởng Trợ cấp của những người lao động đó.

Thời gian làm việc để tính hưởng Trợ cấp = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế - Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và Thời gian làm việc đã được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc trước đây (nếu có).

Thời gian làm việc để tính hưởng Trợ cấp được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Tiếp tục ví dụ nêu trên: B và D có tổng thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp A lần lượt là 26 tháng và 13 tháng. Như vậy, B và D có thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc lần lượt là 11 tháng và 05 tháng; được tính thành 01 năm và ½ năm.

Cuối cùng, căn cứ theo Thời gian làm việc tính hưởng Trợ cấp đã được xác định và loại trợ cấp phải trả, doanh nghiệp tính mức chi trả trợ cấp đó cho người lao động; cụ thể như sau:

- Trợ cấp thôi việc: với mỗi năm làm việc tính hưởng trợ cấp, người lao động nhận trợ cấp bằng ½ (một nửa) tháng tiền lương.

- Trợ cấp mất việc làm: với mỗi năm làm việc tính trả trợ cấp, người lao động nhận trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương; nhưng, nếu thời gian làm việc tính trả trợ cấp ít hơn 18 tháng thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương;

Tiền lương tính trả Trợ cấp là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi hợp đồng lao động chấm dứt.

Kết thúc ví dụ đang đề cập, B và D sẽ nhận được trợ cấp thôi việc lần lượt bằng ½ và ¼ tháng tiền lương tính trả trợ cấp. Giả sử, ở đây là trường hợp doanh nghiệp A phải trả Trợ cấp mất việc làm thì B và D sẽ đều nhận được khoản tiền bằng 02 tháng tiền lương tính hưởng trợ cấp; do cả 02 đều có thời gian tính hưởng loại trợ cấp này dưới 18 tháng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

- Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Lưu ý:

Nếu sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp mà chấm dứt HĐLĐ thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp HĐLĐ cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo HĐLĐ cuối cùng không được dùng để tính trợ cấp thôi việc.

Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của doanh nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  •  Đang truy cập17
  •  Hôm nay2,233
  •  Tháng hiện tại52,592
  •  Tổng lượt truy cập2,336,765
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây