Cổ phần hóa các công ty thủy nông: Cần cơ chế thực hiện đặc thù

Chủ nhật - 15/07/2018 04:32
Các công ty thủy nông có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống và sản xuất của người nông dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.
Cổ phần hóa các công ty thủy nông: Cần cơ chế thực hiện đặc thù
Các công ty thủy nông có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống và sản xuất của người nông dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, việc thực hiện cổ phần hóa các công ty này cũng đòi hỏi những cơ chế cụ thể, đặc thù, đảm bảo phù hợp với từng địa bàn, doanh nghiệp (DN). 

Xác định lại giá trị hệ thống kênh mương, hồ chứa nước   

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1559/TTg-ĐMDN yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) và các cơ quan liên quan đề xuất mô hình hoạt động của các công ty thủy nông, thí điểm cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.  

Từ trước đến nay, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa 5 công ty thủy nông tại Sơn La, Bắc Cạn, Kon Tum, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập mới 2 công ty TNHH MTV Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đó là Công ty TNHH MTV Sơn La và Bắc Cạn. 

Không như nhiều lĩnh vực khác, việc quản lý khai thác công trình thủy lợi không chỉ xác định ở duy nhất một loại mô hình DN nào vì nó phụ thuộc rất nhiều vào địa hình tự nhiên, thời tiết khí hậu và nguồn nước của đơn vị thủy nông đó phục vụ. Không chỉ là công ty TNHH MTV Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, không chỉ là công ty cổ phần, không chỉ là đơn vị sự nghiệp công lập (trung tâm hay ban quản lý) mà phải tổ chức sao cho phù hợp với địa hình vùng đồi núi, trung du, đồng bằng, ven biển, thủy triều ... 

Vì vậy, thực hiện cổ phần hóa đối với các công ty thủy nông nên có cơ chế riêng, văn bản nêu là hình thức nghị định của Chính phủ đối với loại hình DN này, để thu hút các nhà đầu tư cũng như để cho các công ty thủy nông hoạt động hiệu quả. 
Như vậy, để thực hiện thí điểm cổ phần hóa công ty thủy nông đồng thời phù hợp với Luật Thủy lợi mới được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2018, phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, trước tiên nên lựa chọn các công ty có doanh thu khai thác tổng hợp chiếm tỷ trọng từ 60% trở lên đối với doanh thu toàn công ty. Hoặc, những công ty phục vụ tưới tiêu và cấp nước có địa hình và địa bàn phục vụ ít phức tạp như chỉ ở vùng đồng bằng hoặc miền núi, có loại hình biện pháp tưới tiêu bằng trọng lực (bằng hồ thủy lợi), có hệ thống sổ sách báo cáo tài chính đảm bảo theo quy định và tài chính lành mạnh.

Về mặt quản lý nhà nước, cần xác định lại giá trị tài sản của DN, đặc biệt đánh giá lại tài sản của hệ thống kênh mương từ lâu nay không được đánh giá lại (nhất là hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ thời Pháp thuộc như Đồng Cam, Bái Thương...). Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc việc có hay không đánh giá lại hồ chứa nước thủy lợi, quyền quản lý thuộc công ty hay là sử dụng đa mục đích của ủy ban nhân dân tỉnh?
Giá dịch vụ thực hiện theo cơ chế thị trường

Một vấn đề quan trọng nữa là giá cung cấp tưới tiêu cho nông nghiệp, nước sinh hoạt, thủy điện... phải thực hiện theo cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa là phải tính đầy đủ chi phí khấu hao, tiền lương, tiền điện và các chi phí khác trong đơn giá sản phẩm và được thực hiện trong điều kiện thời tiết bình thường. Khi xảy ra thiên tai bão lụt hỏa hoạn, Nhà nước có thể thay đổi chính sách cho hỗ trợ từ ngân sách.

Khi DN chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng. Do đó cần thiết lập một cơ chế nghiệm thu sản phẩm tưới tiêu cho phù hợp với các tiêu chí khi nghiệm thu, người nghiệm thu, sản phẩm nghiệm thu, biên bản nghiệm thu...  

Bên cạnh đó, các hồ chứa thủy lợi cũng như hành lang hệ thống các công trình thủy lợi liên quan rất nhiều đến đất đai, dân cư và chính quyền các địa phương, đặc biệt là vấn đề điều tiết nước liên quan đến chống hạn, cắt lũ, điều hòa nước... Vậy cần định rõ quyền của các công ty đến đâu? Hơn nữa một số hồ chứa thủy lợi là các hồ thực hiện đa mục đích mà một số địa phương không giao toàn bộ cho các công ty thủy nông quản lý mà thuộc UBND tỉnh quản lý và giao từng phần cho các DN quản lý để làm du lịch, thủy sản, sân golf... Vì vậy, rất cần sự rõ ràng về quyền khai thác của công ty thủy nông khi thực hiện cổ phần hóa.

Riêng với quyền sử dụng đất, cho đến nay, phần lớn các công ty thủy nông đều phải trả tiền thuê đất đối với khu vực văn phòng của công ty, còn phần diện tích đất của khu vực kênh mương đều chưa được giao và quy định được hành lang bảo vệ. Vì vậy, các địa phương cũng như các DN cần phải xác định rõ diện tích đất thuộc thẩm quyền quản lý của các công ty thủy nông.

Đối với những vấn đề khác như công nợ phải thu, phải trả, chính sách cho người lao động, có thể xử lý theo quy định và áp dụng các chính sách tương tự các DN khác khi chuyển sang công ty cổ phần.

Tóm lại, DN thủy nông làm nhiệm vụ cung cấp nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phục vụ việc an sinh xã hội, an ninh lương thực và an ninh của các vùng nông thôn, do đó việc cổ phần hóa các công ty thủy nông cần phải thận trọng từng bước không làm ồ ạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm sao cho các DN hoạt động đạt hiệu quả cao nhất cũng như phục vụ người dân tốt nhất.
Theo Hoàng Văn Phức - Cục Tài Chính Doanh Nghiệp - Bộ Tài chính - Thời báo Tài chính Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  •  Đang truy cập19
  •  Hôm nay2,761
  •  Tháng hiện tại28,234
  •  Tổng lượt truy cập2,809,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây